Loạt bài kỷ niệm 65 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng (13/10/1939 - 13/10/2004)

 

Lời dẫn Suốt nửa thế kỷ qua, dưới chính sách văn nghệ của đảng CSVN, những sáng tác của Vũ Trọng Phụng đã bị các quan văn nghệ mang ra mổ xẻ, khiến gây tranh cãi với những quan điểm khen chê rất khác nhau. Chính xác mà nói, thì từ khi VTP tạ thế cho đến nay, tác phẩm của ông đã bị những người chủ trương "nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa" đày đọa, khiến "nó" trải qua  nhiều thăng trầm, thậm chí có giai đoạn bị đảng xếp vào loại sách độc hại. Dù vậy, tính từ sau "Đổi Mới" tới nay, tên tuổi và sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng mới chính thức được chế độ thừa nhận và đưa vào chương trình giảng dạy trong trường phổ thông và đại học

Bài sau đây chúng tôi trích lại từ Website E-Van. Trang Web này đã đăng tải một loạt bài nhân kỷ niệm 65 năm ngày mất của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Theo nguồn E-Van: Những bài đó "đều được lấy từ cuốn Vũ Trọng Phụng - con người và tác phẩm do Nguyễn Hoàng Khung và Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội 1994.

Trân trọng

Trường Xuân Triệu

 

Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc (25 - 28/9/1949)

[Trích] Phiên họp chiều 26. Vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa - Vấn đề phê bình.

Chủ tọa: Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Tố Hữu.

Sau khi định nghĩa văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa là văn nghệ thể hiện đời sống con người mới trong thời đại xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Đình Thi - thuyết trình viên - nêu ra hai vấn đề:

1/ Thực tại với văn nghệ quan hệ thế nào?

2/ Bản năng và trí tuệ trong sáng tác (...)

Thảo luận: (...)

Nguyên Hồng: - Tôi không đồng ý về điểm trong giai đoạn đả phá một chế độc cũ nào đó, nhà văn làm công việc chép đúng sự thực là đã có giá trị cách mạng rồi.

Nguyễn Đình Thi: - Trong giai đoạn mà thực trạng bị che lấp đi thì nhiệm vụ nhà văn là phải vạch cái thực trạng đó ra, chép được đúng cái thực trạng đó đã là có ích cho cách mạng lắm rồi.

Tố Hữu: - Làm nhiệm vụ đả phá, nếu chỉ chép đúng sự thực thì đã gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa chưa?

Nguyên Hồng: - Thêm một quan điểm nữa, tôi không đồng ý là nghệ thuật chép lại thực tại. Không, nghệ thuật phải là sự sáng tạo (vỗ tay). Trong giai đoạn đả phá, tạo đúng cũng chưa toát lên được cái hiện thực. Cái xã hội của Xuân Tóc Đỏ, của bà Phó Đoan là cái xã hội thối nát, nhầy nhụa làm cho người ta ngấy lên. Tạo Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã có một thái độ không công nhận cái xã hội ấy. Nếu không, Vũ Trọng Phụng dù có tả nguyên xi cái xã hội ấy (hội nghị cười), chúng ta không lợm. Tả đúng không đủ, phải có thái độ cách mạng.

Nguyễn Đình Thi: - Tôi đồng ý là có hiện thực của cách mạng và không cách mạng. Tôi muốn nhấn mạnh: cái hiện thực của các nhà văn vạch ra được đường đi là một hiện thực cao. Nhưng nếu chỉ nói được cái thực tại thôi thì tất nhiên cái hiện thực ấy thấp, nhưng cũng đã có ích.

Nguyên Hồng: - Coi chừng anh Thi! (hội nghị cười). Trọng Lang tả rất thực, tả những con đĩ, những thằng ăn cắp, nhưng người ta vẫn thích thằng ăn cắp, thích ôm lấy con đĩ (hội nghị cười). Như vậy thì hiện thực của Trọng Lang có giá trị không?

Tố Hữu: - Đồng ý văn nghệ là sáng tạo và phải lấy nguyên liệu ở thực tại. Ta phải phân biệt một hiện thực không dẫn dắt đến đâu cả, chỉ đả phá mà thôi. Tạm đặt cho nó cái tên là hiện thực Vũ Trọng Phụng. Thử hỏi nếu tả thực trạng xã hội mà không có một thái độ thì tác giả nhận định ra thế nào? Nhà văn nghệ muốn tả thực mà tự mình chưa có một hướng đi thì người đó chỉ nhìn thấy một cuộc sống đang xuống và chưa thấy hướng đi lên của cuộc đời. Tóm lại, người văn nghệ xã hội chủ nghĩa thấy được cái hướng đi xuống và cả hướng đi lên của thực tại. Lối hiện thực của Vũ Trọng Phụng chưa phải là hiện thực xã hội. Vũ Trọng Phụng không phải là cách mạng nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng đã vạch rõ cái thực xấu xa thối nát của xã hội lúc ấy. Nếu Vũ Trọng Phụng đi vào cuộc đời cách mạng thì anh ta đã thành công. Vậy thế nào là thực trạng? Ta phải nhận thấy cái phần cuộc sống đang xuống và cái phần cuộc sống đang lên. Nếu chưa nhận thấy được cái đang xuống và cái đang lên thì chưa có hiện thực xã hội chủ nghĩa. Có người nói nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa không bao giờ vẽ cái xấu của thời đại. Không đúng. Đối với vấn đề mà anh Văn Cao nêu ra lúc nãy: có nên vẽ lên một vài điểm xấu xa của xã hội lúc này ra không? Tôi thấy rằng nên và đáng nói lắm. Nhưng nên hiểu rằng cái xấu kia không tiêu biểu cho thời đại, nó chỉ là thiểu số. Cuộc đời có cái đẹp lớn lao bên trong còn sót lại cái xấu. Nhiệm vụ của chúng ta là nhận rõ điều đó. Có người lại nói hiện thực chỉ là nói về vô sản thôi. Càng không đúng nữa. Cuộc đấu tranh của ta là cuộc chiến tranh nhân dân. Hiện thực bây giờ phải tả cuộc sống của toàn thể nhân dân. (vỗ tay)

(...) Tôi nhắc lại lời của Gorky: Văn chương đứng lên trên thực tại để nhìn cho rõ. Theo tôi trên thực tại đây không phải là tách xa thực tại. Cuộc đời như bức tranh nhiều màu đứng xa để nhìn cái toàn bộ chứ nếu dí mắt vào bức tranh thì không thể nào nhìn rõ được.
...

Trích tường thuật của Nguyễn Huy Tưởng.
Tạp chí VĂN NGHỆ số tranh luận. Số 17-18 (tháng 11 và 12 năm 1949)

Vũ Trọng Phụng - Con người và tác phẩm, Nxb. Hội Nhà văn, H. 1994, tr. 155-158.

[Quay lại]